Nhà
văn Nguyễn Trọng Quản sinh năm 1865, mất năm 1911, quê ở huyện Đất Đỏ. Ông là
con rể của nhà văn hóa nổi tiếng Trương Vĩnh Ký. Là thầy giáo dạy chữ quốc ngữ,
nhưng Nguyễn Trọng Quản say mê viết văn. Tác phẩm truyện “Thầy Lazaro Phiền”
của ông được coi là tiểu thuyết đầu tiên viết theo phong cách hiện đại ở Việt
Nam.
Thuở nhỏ, Nguyễn Trọng Quản được gia đình đưa lên Sài
Gòn học tiểu học. Lên trung học, ông du học tại Lyce’e d’Alger, một thuộc địa
của Pháp ở Bắc Phi. Năm 1872 Nguyễn Trọng Quản về nước làm nghề dạy học. Vào
khoảng những năm 1890 - 1902, ông làm Giám đốc Trường Sơ học Nam Kỳ ở Sài Gòn.
Ngay từ những năm mới bước vào
nghề giáo, Nguyễn Trọng Quản đã say mê văn học lãng mạn Pháp. Ông vừa làm thầy
giáo, vừa sáng tác văn chương bằng chữ quốc ngữ theo phong cách hiện đại của
phương Tây. Thời ấy chưa có tác giả nào ở Việt Nam viết văn bằng chữ quốc ngữ.
Sau Nguyễn Trọng Quản, ở Nam Bộ có nhà văn Hồ Biểu Chánh (1884 - 1958) viết
nhiều tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ nhưng chủ yếu vẫn là phóng tác các tác phẩm
văn học Pháp. Còn ở Bắc Bộ, phải đến năm 1925 mới xuất hiện tiểu thuyết Tố Tâm
của nhà văn Hoàng Ngọc Phách viết bằng chữ quốc ngữ theo phong cách văn học
hiện đại của phương Tây.
Sáng tác của nhà văn Nguyễn Trọng
Quản không nhiều, cho đến nay còn lại 4 tác phẩm chính: Thầy Lazaro Phiền, Bốn
anh Chà Và cùng chuyện tầm phào chẳng nên đọc, Kim vọng phu truyện, Notices sus
les Fondries Cuira de chợ Quán 1888. Trong các tác phẩm này, tiểu thuyết Thầy
Lazaro Phiền là sáng tác đầu tay của Nguyễn Trọng Quản, do Nhà xuất bản J.
Linage Librai rie E’diteeus ở Sài Gòn ấn hành năm 1887, được coi là tiểu thuyết
đầu tiên của Việt Nam viết bằng chữ quốc ngữ theo phong cách hiện đại của
phương Tây.
Chân dung nhà văn Nguyễn Trọng Quản và tác phẩm “Thầy Lazaro Phiền”.
Tiểu thuyết Thầy Lazaro Phiền dày khoảng 32 trang, lấy
đề tài từ cộng đồng Thiên chúa giáo ở Đất Đỏ vào những năm thực dân Pháp đánh
chiếm Biên Hòa và Bà Rịa. Nhân vật chính là thầy Lazaro Phiền quê gốc ở tỉnh
Quảng Bình. Cha Phiền là dân đạo dòng di cư vào huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa sinh
sống. Mẹ mất năm Phiền ba tuổi, cha Phiền lâm cảnh ngộ gà trống nuôi con. Đó
là những năm cuộc đời Phiền gặp biến cố lớn, hàng trăm giáo dân ở nhà tù Bà Rịa
bị thảm sát. Phiền được viên sĩ quan Pháp đem về Gia Định giao cho một linh mục
nuôi. Được học hành đầy đủ, tinh thông chữ Pháp và chữ La tinh, cuộc đời
Phiền chuyển sang hướng mới, cưới vợ là con một ông trùm đạo khá giả. Tưởng như
tương lai rộng mở, nhưng bi kịch tình yêu đầy sự lừa lọc tráo trở đã biến thầy
Lazaro Phiền thành kẻ tội đồ và chết trong nỗi xót xa ân hận khôn nguôi.
Tiểu thuyết Thầy Lazaro Phiền đã khai thác tâm lý phức
tạp của nhân vật một cách tài tình, điều mà văn chương cổ điển trước đó và văn
chương biền ngẫu đương thời chưa làm được. Mấy chục năm sau, nhà văn Hồ Biểu
Chánh, người được xem như Balzac của Nam Bộ viết trong cuốn hồi ký Đời của tôi
rằng, sau khi đọc Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, ông đã thay đổi cách
viết từ phóng tác sang sáng tác, từ lối hành văn biền ngẫu sang khai thác tâm
lý nhân vật.
Tiểu thuyết Thầy Lazaro Phiền đương thời đã được dịch
sang tiếng Pháp, đăng nhiều kỳ trên báo Pháp và đưa vào tuyển tập văn chương
tiếng Pháp của các tác giả người Việt viết bằng chữ quốc ngữ, trong đó có các
tác giả Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Huỳnh Tịnh Của...
Lịch sử văn học Việt Nam sau này
đã chính thức công nhận tiểu thuyết Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản
xuất bản năm 1887, là tác phẩm văn học hiện đại đầu tiên của văn học nước nhà.
Hiện nay, tên của ông đã được đặt làm tên đường tại một số địa
phương như Tp. Vũng Tàu, Tp. Hồ Chí Minh…
Trần Quang Vinh
http://www.baobariavungtau.com.vn/
Báo Bà Rịa - Vũng Tàu